[Kế Toán Thuế] – Chương 3: Kế Toán Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp

 Chương 3: Kế Toán Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp

 

1         Những vấn đề chung về thuế thu nhập doanh nghiệp

1.1        Khái niệm:

Thuế thu nhập doanh nghiệp( TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ sau khi đã trừ đi các khoản chi phí liên quan đến việc tạo ra doanh thu và thu nhập chịu thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh.

1.2        Tác dụng:

  • Thuế TNDN bao quát và điều tiết được tất cả các khoản thu nhập đã và sẽ phát sinh của cơ sở kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế thị trường theo định hướng của nhà nước.
  • Thông qua việc ưu đãi về thuế suất, về miễn thuế, giảm thuế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước tiết kiệm vốn, để dành cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
  • Mặt khác, việc đánh thuế TNDN nhằm từng bước thu hẹp sự phân biệt giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo trong sản xuất kinh doanh phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.

1.3        Đối tượng nộp thuế:

Các tổ chức SXKD hàng hóa, dịch vụ( gọi chung là cơ sở kinh doanh) có thu nhập đều phải nộp thuế TNDN

Lưu ý: Tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo luật đầu tư, luật doanh nghiệp hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nộp thuế TNDN theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài Chính

1.4        Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.

Trong đó:

  • Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  • Chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Nguyên tắc xác định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên( giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

1.5        Các khoản chi bao gồm:

  • Chi phí khấu hao tài sản cố định.
  • Đăng ký mức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh
  • Chi phí tiền lương
  • Tiền ăn giữa ca
  • Chi phí trang phục
  • Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và ngoài nước
  • Chi phí trả lãi tiền vay
  • Trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá
  • Khoản mua bảo hiểm nhân thọ
  • Khoản mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện
  • Trích lập và sử dụng quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và chi trợ cấp thôi việc cho người lao động.
  • Khoản trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội, bao hiểm y tế, kinh phí công đoàn không vượt quá mức quy định. Khoản chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên, chi đóng góp vào các quỹ của hiệp hội theo quy định của pháp luật và không vượt quá mức quy định.
  • Doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với: Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế; các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn mà đến kỳ hạn chưa chi hoặc chi không hết. Các khoản trích trước bao gồm: Trích trước về sửa chữa lớn tài sản cố định theo chu kỳ, các khoản trích trước đối với hoạt động đã hạch toán doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và các khoản trích trước khác.
  • Chi về tiền phạt: Doanh nghiệp không được tính các chi phí được trừ đối với: Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: Vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Các khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng kinh tế không thuộc các khoản tiền phạt nêu trên, nếu khoản chi này có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định thì khoản chi này được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

  • Các khoản thuế
  • Các khoản khác

1.6        Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế suất thuế TNDN là 20%

1.7        Đăng ký, kê khai nộp thuế, quyết toán thuế.

  • Đăng ký thuế: Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm đăng ký nộp thuế TNDN với việc đăng ký nộp thuế GTGT chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Kê khai thuế: Cơ sở kinh doanh tự xác định thuế tạm nộp thuế TNDN hàng quý đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước. Thời hạn nộp thuế chậm nhất không quá ngày cuối quý
  • Quyết toán thuế TNDN: Cơ sở kinh doanh phải nộp BCTC và báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

1.8        Phương pháp hạch toán thuế TNDN

Tạm nộp thuế TNDN:

Nợ 8211/ Có 3334

Cuối năm, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp < số đã nộp => điều chỉnh

Nợ 3334/ Có8211

Cuối năm, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp > số đã nộp => bổ sung

Nợ 8211/ Có 3334

Kết chuyển thuế TNDN

Nợ 911/ Có 8211

1.9        Bút toán cuối quý

Kết chuyển khoản làm giảm doanh thu:

Nợ 511

Có 5211/ 5212/ 5213

Kết chuyển doanh thu, thu nhập thuần để xác định kết quả kinh doanh:

Nợ 511/ 515/ 711

Có 911

Kế chuyển chi phí, giá vốn để xác định kết quả kinh doanh:

Nợ 911

Có 632/ 635/ 641/ 642/ 811

Xác định kết quả kinh doanh:

KQKD = Doanh thu, thu nhập – chi phí, giá vốn

Nếu Nợ 911 > Có 911: Doanh nghiệp bị lỗ

+ Thuế TNDN phải nộp = 0

+ Kết chuyển số lỗ: Nợ 421/ Có 911

Nếu Nợ 911 < Có 911: Doanh nghiệp có lãi

+ Thuế TNDN phải nộp= Lợi nhuận x Thuế suất

Nợ 8211/ Có 3334

Kết chuyển chi phí thuế:

Nợ 911

Có 8211

Có 421: ( Lợi nhuận sau thuế)

Thuế TNDN = TN chịu thuế tròng kỳ tính thuế x Thuế suất

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Theo kế toán:

Lợi nhuận kế toán = Doanh thu – Chi phí + Các khoản thu nhập khác

Lợi nhuận sau thuế = LN kế toán – Thuế TNDN

Lưu ý: Trường hợp được chuyển lỗ từ năm trước, khi xác định thu nhập chịu thuế năm nay thì trừ lỗ năm trước để tính thu nhập tính thuế.

Hoặc:

Tổng thu nhập chịu thuế= Tổng lợi nhuận KT trước thuế + Các khoản điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế – Các khoản điều chỉnh giảm thu nhập chịu thuế.

2.  Hướng dẫn kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại

  • Có sự chênh lệch giữa số thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán
  • Có sự chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo thông báo thuế với số thuế phải nộp tính vào chi phí theo kế toán
  • Có thuế TNDN hiện hành( là số thuế phải nộp trong kỳ theo tính toán của cơ quan thuế) và thuế TNDN hoãn lại( là số chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo thống báo thuế với số thuế phải nộp tính vào chi phí theo kế toán).

Theo chuẩn mực KT 17: Doanh nghiệp phải ghi nhận khoản thuế TNDN hoãn lại phải trả hoặc tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

  • Thuế thu nhập hoãn lại phải trả: là thuế TNDN sẽ phải nộp, tính trên các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế TNDN trong năm hiện hành
  • Tài sản thuế thu nhập hoãn lại: là thuế TNDN sẽ được hoàn lại, tính trên các khoản:

+ Chênh lệch tạm thời được khấu trừ

+ Khoản lỗ được điều chuyển

+ Khoản ưu đãi thuế.

Chênh lệch tạm thời làm phát sinh thuế TNDN hoãn lại

Là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản hay nợ phải trả trong BCĐKT và cơ sở tính thuế của tài sản hay nợ phải trả đó.

  • Cơ sở tính thuế thu nhập của tài sản: là giá trị sẽ được khấu trừ vào lợi ích kinh tế doanh nghiệp nhận được và chịu thuế thu nhập khi thu hồi giá trị ghi sổ của tài sản đó.
  • Cơ sở tính thuế thu nhập của khoản nợ phải trả: là giá trị ghi sổ của khoản nợ đó trừ(-) giá trị sẽ được khấu trừ cho mục đích tính thuế thu nhập trong các kỳ tương lai.

kt-thue-clbknt[c3]

Tác giả: Bùi Thị Kim Uyên ( Sinh viên năm 3, Lớp 15DTK, Khoa Công nghệ Thông tin)

Bình luận về bài viết này