[Truyền thông marketing tích hợp] – Phương pháp trình bày thông điệp (Bài tập 5)

a/ Giải thích các phương pháp trình bày thông điệp? Hãy chỉ ra phương pháp nào phù hợp với nhóm ảnh hưởng nào mà doanh nghiệp muốn tác động đến.

Các phương pháp trình bày thông điệp

  • Phương pháp thông tin: 

Trong phương pháp thông tin, đối tượng sẽ nhận được một trình bày khách quan về các đặc trưng hay bằng chứng hiển nhiên của sản phẩm. Không một lời đánh giá nào tô màu thêm cho các đặc trưng. Nội dung là các đặc điểm của sản phẩm hay dịch vụ.

Phương pháp sẽ thành công nếu đối tượng tích cực tìm kiếm thông tin từ người quảng cáo, viết đánh giá sự thật về sản phẩm tương đối đơn giản với đối tượng, và sự đáng giá sẽ có lợi cho người quảng cáo.

Ví dụ: Các mẫu quảng cáo trong siêu thị, trung tâm giáo dục và dạy nghề, quảng cáo cho các chương trình công ích…

  • Phương pháp lý lẽ:

Phương pháp này không chỉ trình bày các đặc trưng mà cả các ý kiến đánh giá các đặc trưng của sản phẩm. Thay vì trình bày các đặc trưng cơ bản của sản phẩm và hy vọng nhận được sự đánh giá thuận lợi, nó dẫn dắt đối tượng tham gia vào  một quá trình xây dựng tốt để nhận thức các đặc điểm và  hiểu được các giá trị của các đặc điểm này của sản phẩm.

Phương pháp lý lẽ sử dụng trong tình huống khi các lợi ích của các đặc trưng của sản phẩm không hiển nhiên với người đọc và người quảng cáo không thể tự tin cho rằng người nhận thông điệp sẽ có khả năng suy luận và hiểu ra lợi ích mà không cần sự trợ giúp. 

Ví dụ: quảng cáo Comfort một lần xả, Downy một lần xả, nước rửa chén Sunlight, bột giặt Omo, bột giặt Tide…

  • Lôi cuốn tâm lý:

Lôi cuốn tâm lý là nói đến xúc cảm, được phân biệt ở sự ít nhấn mạnh ở các thuộc tính sản phẩm mà ở sự nhấn mạnh chủ yếu ở trạng thái ở bối cảnh của quảng cáo. Sử dụng cách lôi cuốn tâm lý dựa vào cơ sở cho rằng ảnh hưởng của quảng cáo đến đối tượng rất có thể thông qua sự lôi cuốn mang tính xúc cảm hơn là thông qua việc nhấn mạnh và làm nổi bật một cách hợp lý và khách quan các đặc tính sản phẩm.

 Phương pháp này có thể thích hợp cho các sản phẩm ít được quan tâm. 

Ví dụ: quảng cáo dầu gội đầu Pantene, sữa tắm Dove, quảng cáo bảo hiểm Prudential với thông điệp: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, quảng cáo bột nêm Knorr với thông điệp: “Ngon từ thịt, ngọt từ xương” …

  • Khẳng định lặp đi lặp lại:

Một thông điệp cơ bản thì thường rất đơn giản và được lặp đi lặp lại trong suốt mẫu quảng cáo. Phương pháp gồm một ý tưởng được lặp liên tục bằng từng lời, hình ảnh hay âm thanh.

Ví dụ: quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh, quảng cáo gói cước Big Zero của mạng viễn thông Beeline…

  • Phương pháp mệnh lệnh:

Phương pháp mệnh lệnh tuyên bố thẳng chuỗi hành động hợp lý của đối tượng được cho là chỉ có hành động và không thắc mắc gì hết.

Phương pháp này dùng để khuyến mãi cho các sản phẩm hay dịch vụ quen thuộc.

Ví dụ: quảng cáo thuốc trị cảm cúm Tiffy với thông điệp: “ngay khi có dấu hiệu bị cảm cúm, hãy dùng tiffy”, quảng cáo giấy vệ sinh Sài Gòn: “Khi cần giấy nhớ lấy Sài Gòn”, hay quảng cáo sữa tăng cân: “bạn muốn lên cân ư? Hãy dùng Apetant Weight gain…”

  • Liên tưởng biểu tượng:

Ý nghĩa của thông điệp của quảng cáo từ sự liên tưởng với một biểu tượng. Mục tiêu của phương pháp liên tưởng biểu tượng là làm cho người tiêu dùng phát sinh các ý tưởng thông qua việc sử dụng biểu tượng. Khi đối tượng bắt gặp biểu tượng- một từ ngữ, hình ảnh minh hoạ, một con người, một đoạn nhạc hay bất cứ thứ gì có thể nhận thức được- sản phẩm hay đặc tính liên quan đến sản phẩm sẽ ghi vào tâm trí của đối tượng.

Ví dụ: hình ảnh hoa sen gợi cho khách hàng liên tưởng đến Việt Nam Airline, chữ M hình cánh cổng màu vàng của Mc Donal, biểu tượng hình trăng khuyết gợi nhớ sản phẩm thể thao Nike, hình ảnh co sư tử đang vồ gợi nhớ sản phẩm Puma…

  • Phương pháp nêu gương:

Cho rằng động cơ chủ yếu của một hành vi là sự ước muốn kết giao với hoặc theo gương một người hay một nhóm.

Thường được dùng trong các quảng cáo cho thấy các nhân vật nổi tiếng được nhiều người ái mộ đang chứng thực cho sản phẩm của nhà quảng cáo.

Ví dụ: mẫu quảng cáo dao cạo râu Gillette với hình ảnh của ngôi sao bóng đá David Beckham, Bi Rain trong mẫu quảng cáo Clear men.

Hãy chỉ ra phương pháp nào phù hợp với nhóm ảnh hưởng nào mà doanh nghiệp muốn tác động đến.

Phương pháp thông tin:

Phương pháp này đơn giản, thường áp dụng để thông tin giá cả thị trường. Trong các siêu thị, thông tin được niêm yết hoặc đọc để thông báo giá cả các mặt hàng trong siêu thị.

Ngoài ra phương pháp thông tin còn áp dụng cho những sản phẩm, dịch vụ mới tung ra thị trường (giai đoạn giới thiệu của chi kỳ đời sống sản phẩm) nhằm giới thiệu đến khách hàng tiềm năng về sự hiện diện của sản phẩm.

  • Phương pháp lý luận:

Phương pháp này áp dụng cho những sản phẩm có tính năng đặc biệt mà nếu chỉ thông tin thôi thì khách hàng khó mà nhận ra đặc tính lợi ích này.

Ví dụ, với sản phẩm nệm hơi nước, thông điệp ngoài việc giới thiệu đến khách hàng trên thị trường đã có sản phẩm này, còn phải lý luận, giải thích cho khách hàng biết lợi ích của sản phẩm này là: “Khi nằm lên nệm, bạn có cảm giác bềnh bồng như đang lướt sóng biển”. Hoặc “Khi nằm lên nệm, bạn có cảm giác lâng lâng như bay trên chín tầng mây!”. Ngoài ra, bạn còn phải lý luận thêm rằng: “Nệm rất dai và chắc, sẽ không xảy ra sự cố rò rỉ, chảy nước!”

  • Phương pháp tâm lý:

Phương pháp truyền tải thông điệp quảng cáo dựa vào yếu tố tâm lý thường được áp dụng để quảng cáo khi sử dụng những hình ảnh, âm thanh, màu sắc gây tác động tâm lý đến người xem, làm cho người xem có cảm giác sợ hãi hay vui cười. Ví dụ, trong phim quảng cáo nước giải khát tăng lực, với hình ảnh một người rơi xuống một hang sâu, tối răm và gặp quái vật, bị quái vật đánh tơi tả. Chỉ cần uống nước tăng lực là anh ta có một sức mạnh phi thường, và đánh thắng quái vật.

  • Phương pháp khẳng định, lặp đi lặp lại:

Phương pháp truyền tải thông điệp quảng cáo sản phẩm làm nhập tâm người nghe, người nhìn bằng một giọng điệu, hình ảnh hay âm thanh cứ lặp đi, lặp lại trong một bản thông điệp quảng cáo, hoặc phát sóng nhiều lần trong ngày, trong tuần …

Ví dụ: quảng cáo sữa zinzin, với giai điệu vui nhộn và lặp đi lặp lại đã làm cho đoạn quảng cáo trở nên quen thuộc, nhất là các bạn thiếu nhi rất thích coi đoạn quảng cáo này.

  • Phương pháp mệnh lệnh

Ví dụ, khi bị cảm cúm, bạn hãy dùng ngay Tiffy (Panadol, Decolgen, …)

Trong các chương trình khuyến mãi, người ta cũng thường sử dụng phương pháp mệnh lệnh để truyền tải thông điệp quảng cáo.

  • Phương pháp biểu tượng:

Ý nghĩa của thông điệp quảng cáo thường rút ra từ biểu tượng của quảng cáo. Khi khách hàng bắt gặp biểu tượng (có thể là một hình ảnh, một con người, một đoạn nhạc, …) sản phẩm hay một số đặc tính liên quan đến sản phẩm sẽ ăn sâu vào tâm trí của khách hàng (người tiêu dùng).

Ví dụ: Vinamilk khéo léo đưa hình ảnh những chú bò tinh nghịch, khỏe mạnh để quảng cáo cho dòng sản phẩm sữa tươi 100%. Từ hình ảnh đó, người xem có thể liên tưởng đến những ly sữa tươi thơm ngon và nguyên chất.

  • Phương pháp nêu gương:

Phương pháp này quảng cáo rất hiệu quả bằng cách đưa ra những nhân vật nổi tiếng, được công chúng ái mộ để sử dụng sản phẩm đó. Khách hàng khi sử dụng sản phẩm đó không nhất thiết là vì chất lượng của sản phẩm đó mà phần lớn “bắt chước” người mình ái mộ đã sử dụng.

Ví dụ: dòng điện thoại cảm ứng OPPO luôn đi đầu trong việc sử dụng hình ảnh đại diện để quảng cáo cho dòng sản phẩm của mình, tạo xu thế sử dụng sản phẩm bắt chước theo người nổi tiếng.

b/ Hãy trình bày các ưu, khuyết của các phương tiện truyền thông hiện nay? Việc chọn lựa phương tiện truyền thông nên dựa vào yếu tố định lượng hay định tính? Chỉ ra những sai lầm có thể có

Trình bày ngắn gọn ưu, khuyết điểm của các phương tiện truyền thông hiện nay 

Phương tiện truyền thông là việc vận dụng các khả năng của cơ thể, sử dụng những phương tiện có sẵn trong thiên nhiên, những công cụ nhân tạo để diễn tả và chuyển tải những thông tin, thông điệp từ bản thân đến người khác hay từ nơi này sang nơi khác. 

Phương tiện truyền thông cũng được hiểu như các kênh truyền thông qua đó tin tứ, giải trí, giáo dục, dữ liệu hoặc tin nhắn quảng cáo được phổ biến. Phương tiện truyền thông bao gồm tất cả phát thanh truyền hình và phương tiện truyền thông hẹp vừa. 

Các phương tiện truyền thông hiện nay bao gồm:

Báo chí, tạp chí, truyền hình, truyền thanh, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên các phương tiện vận chuyển, quảng cáo qua thư gửi trực tiếp và các phương tiện quảng cáo khác. 

Ưu, khuyết điểm của các phương tiện truyền thông hiện nay

a/ Báo chí

Ưu điểm: 

  • Báo cung cấp cho các đơn vị quảng cáo khả năng bao quát phạm vi thị trường địa phương. 
  • Đây là cách quảng cáo rẻ nhất để đến được với rộng rãi công chúng, chi phí rẻ. 
  • Có lượng đọc giả lớn
  • Báo có tính chất trực tiếp tức thì và nội dung có căn cứ xác đáng.

Khuyết điểm 

  • Số lượng các mẫu quảng cáo quá nhiều dễ làm cho người đọc rối mắt 
  • Thời gian quảng cáo ngắn vì người xem có thể biết được những sự kiện thông qua phần tiêu đề rồi tóm lược nội dung trong vài phút sau đó thì rời đi. 
  • Chất lượng hình ảnh, màu sắc kém gây nên cảm giác mỏi mắt khi đọc.
  • Quá nhiều thông tin quảng cáo khiến người đọc bị quá tải thông tin 

b/ Tạp chí 

Ưu điểm 

  • Có thể chọn lọc được độc giả khi đã xác định được thị trường mục tiêu 
  • Chất lượng in ấn tốt, không phô trương và có thế truyền tải thông điệp với những tác động thích hợp. 
  • Gắn bó lâu dài với độc giả 

Khuyết điểm 

  • Khó thay đổi bổ chung sau chiến dịch 
  • Số lượng trang nội dung và quảng cáo ngày càng lớn sẽ gây khó khăn cho việc truyền tải thông điệp đến người đọc. 
  • Giá tạp chí đắt hơn giá bán của báo nên không phải người đọc nào cũng sẽ đọc tạp chí 

c/ Truyền hình 

Ưu điểm

  • Phạm vi rộng trên toàn quốc, tiếp cận được nhiều đối tượng đặc biệt là khách hàng hộ gia đình 
  • Truyền tải thông điệp rõ ràng, sinh động, tạo nên hiệu quả mạnh, dễ truyền tải đến khách hàng 

Khuyết điểm

  • Chi phí từ thiết kế, dàn dựng đến thực hiện quảng cáo rất lớn có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu cho một lần phát sóng, đặc biệt nếu phát sóng vào khung giờ vàng thì chi phí có thể lên tới 4000 USD. 
  • Hạn chế về thời gian phát quảng cáo
  • Không có phân khúc rõ ràng đáng tin cậy

d/ Truyền thanh 

Ưu điểm 

  • Phạm vi hoạt động rộng
  • Người nghe bắt buộc phải tiếp nhận thông điệp của bạn nếu không muốn chuyển kênh đài hoặc tắt radio
  • Chi phí quảng cáo thấp 
  • Tiếp cận khách hàng mọi lúc 

Khuyết điểm 

  • Phương tiện mang tính địa phương, cơ hội phát sóng trên phạm vị cả nước
  • Chỉ có thể truyền tải âm thanh nên cần phải có điểm nổi bật trong truyền thanh tránh gây cảm giác nhàm chán 

e/ Quảng cáo ngoài trời 

Ưu điểm 

  • Bao phủ được các thị trường trung tâm chính 
  • Cho phép đơn vị quảng cáo chọn thị trường mục tiêu 
  • Tiếp cận với nhiều đối tượng vì lặp đi lặp lại nhiều lần
  • Chi phí thấp và chiếm được sự chú ý thông qua ấn tượng mạnh mẽ do quảng cáo ngoài trời sử dụng màu sắc nổi bật, kích thước lớn,…

Khuyết điểm 

  • Mức độ được chú ý thấp vì ít ai dành nhiều thời gian để đọc quảng cáo
  • Thông điệp phải ngắn gọn, dễ hiểu nếu không muốn khách hàng hiểu sai hoặc không hiểu doanh nghiệp mình đang nói gì 
  • Cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cạnh tranh 

f/ Quảng cáo trên các đơn vị vận chuyển 

Ưu điểm 

  • Quảng cáo mang tính địa phương, cho phép tiếp cận thị trường mục tiêu một các chính xác
  • Đối tượng tiếp cận rộng lớn, chi phí phần ngàn thấp. 

Khuyết điểm 

  • Diện tích quảng cáo bị giới hạn bởi số lượng phương tiện giao thông và các địa điểm mấu chốt 
  • Đối tượng bị phân khúc hoàn toàn theo khu vực địa lý

g/ Quảng cáo qua thư gửi trực tiếp 

Ưu điểm 

  • Khả năng chọn lọc đối tượng cao, tiếp cận đối tượng mục tiêu chính xác nhất
  • Tăng sự chú ý và quan tâm nhiều hơn
  • Có hiệu quả tác động cao gần nhất so với những phương tiện khác. Người đọc sẽ nhận được thông điệp ngay khi mở thư. 

Khuyết điểm 

  • Chi phí cao là do quy mô đối tượng trực tiếp cận nhỏ trong chi phí chuẩn bị, thực hiện thư và gửi thư cao
  • Khả năng chấp nhận thư của đối tượng thấp

h/ Phương tiện quảng cáo khác 

Quảng cáo qua Internet

Ưu điểm 

  • Mức độ truyền thông tin rộng trên toàn thế giới
  • Thông tin quảng cáo có thể thay đổi, cập nhật dễ dàng mau chóng. 
  • Dễ dàng đo lường khách hàng lướt qua và đọc quảng cáo trên mạng.
  • Thông tin quảng cáo nhanh đến mức gần như tức thời 
  • Chi phí rẻ 

Khuyết điểm 

  • Thông tin chỉ đến được đến nhóm khách hàng có mạng internet
  • Chi phí quảng cáo có xu hướng tăng trong tương lai

Quảng cáo vật phẩm

  • Là hình thức quảng cáo đưa tên, thông điệp và logo của doanh nghiệp lên vật phẩm và phát cho khách hàng để truyền thông về sản phẩm. 

Quảng cáo qua những trang vàng: Một mẫu quảng cáo “những trang vàng” trên quyển niên giám điện thoại là một công cụ hiệu quả thúc đẩy nhanh quá trình đi từ nhận thức đến hành động mua của khách hàng. 

Việc chọn lựa phương tiện truyền thông nên dựa vào yếu tố định lượng hay định tính? Chỉ ra những sai lầm có thể có?

Muốn lựa chọn được phương tiện truyền thông phù hợp với chiến lược Marketing của doanh nghiệp, ta cần phải thực hiện 5 bước sau:

Bước 1: Xác định loại sản phẩm/ dịch vụ truyền thông.

Nghĩa là ta xem xét sản phẩm/ dịch vụ cần truyền thông thuộc lĩnh vực nào. Từ đó đưa ra đánh giá nên chọn phương tiện truyền thông nào liên quan đến lĩnh vực đó.

Bước 2: Xác định nhóm khách hàng mục tiêu của sản phẩm/ dịch vụ.

Đây là một bước khá quan trọng để đạt được hiệu quả cao khi thực hiện truyền thông cho sản phẩm/ dịch vụ. Xác định được nhóm khách hàng mục tiêu, ta sẽ định hướng được các phương tiện quảng cáo mà chiến lược marketing của doanh nghiệp có thể sử dụng. Ví dụ như khách hàng mục tiêu là những người ở nông thôn, bình dân thì việc lựa chọn Radio làm phương tiện quảng cáo là một phương tiện phù hợp. Nếu khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu thì có thể chọn những địa điểm sang trọng để tổ chức event…

Bước 3: Xem xét mức độ bao phủ thị trường của các phương tiện truyền thông.

Khi chọn phương tiện truyền thông thì cần xem xét là phương tiện đó có độ bao phủ đến đâu? Khách hàng mục tiêu có thể tiếp nhận thông tin qua phương tiện truyền thông đó hay không? Thực hiện bước nhảy nhằm tiên liệu, đánh giá sự hiệu quả của các phương tiện truyền thông và đưa ra lựa chọn phù hợp cho chiến lược của doanh nghiệp.

Ví dụ: Nếu khách hàng mục tiêu là người tiêu dùng trên toàn quốc thì có thể chọn các phương tiện truyền thông phủ sóng toàn quốc (HTV, VTV…). Nếu khách hàng mục tiêu là người địa phương của một vùng nào đó thì có thể chọn phương tiện truyền thông của địa phương để tiết kiệm chi phí.

Bước 4: Xem xét cơ sở vật chất nơi truyền thông.

Cơ sở vật chất ở đây được hiểu là phương tiện truyền thông tại nơi đó có được trang bị đầy đủ các thiết bị hay không, công nghệ hiện đại hay công nghệ cũ…

Ví dụ: Doanh nghiệp A muốn truyền thông một sản phẩm thuốc trừ sâu mới tại một vùng nông thôn ở một tỉnh miền Tây. Ở nơi đây, ngoài radio và tivi thì không còn thiết bị nào khác để tiếp cận thông tin từ bên ngoài. Chính vì điều này, ta không thể chọn phương tiện internet hat telemarketing… để truyền thông sản phẩm thuốc trừ sâu này. Thay vào đó, ta nên chọn cách quảng cáo trên tivi và radio để đưa thông tin sản phẩm đến với khách hàng mục tiêu của mình. Ngoài ra ta còn có thể dựa vào đặc điểm ở nông thôn đó là có nhiều thời gian nhàn rỗi khi chưa đến mùa vị hoặc đã kết thúc mùa vụ để chọn cách thức chào hàng cá nhân.

Bước 5: Lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp.

Sau khi đã xác định được các yếu tố kể trên, ta có thể chọn được một phương tiện truyền thông phù hợp và hiệu quả với một chi phí thấp nhất cho chiến lược chiêu thị của doanh nghiệp.

  • Việc xác định các yếu tố định tính hay định lượng trước khi lựa chọn một phương tiện truyền thông đều có những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của việc áp dụng các yếu tố này là đưa ra được những phương tiện phù hợp, hỗ trợ cho chiến lược Marketing của doanh nghiệp. Ta cần xem xét đặc điểm của từng yếu tố để xác định được đâu là phần mà doanh nghiệp cần tập trung:

Mục đích của việc xác định các yếu tố định tính:

  • Khơi gợi nhu cầu/ thị hiếu của khách hàng

Có những nhu cầu/ thị hiếu của khách hàng mà chỉ có các nhà marketing phát hiện được thông qua nghiên cứu thị trường. Thông qua truyền thông (quảng cáo/ PR/ khuyến mại…) khách hàng thấy được nhu cầu của bản thân và tiêu dùng sản phẩm/ dịch vụ.

  • Đánh giá thái độ của khách hàng đối với sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông.

Ví dụ: đối với một loại sản phẩm, khách hàng có cảm nhận khác nhau như thế nào đối với quảng cáo của sản phẩm đó trên thị trường tivi và trên radio?

  • Xem xét mức độ thuận tiện trong việc tiếp nhận thông điệp qua phương tiện truyền thông đó.

Khi các nhà là Marketing chọn phương tiện truyền thông để truyền tải thông điệp của sản phẩm/ dịch vụ đến với khách hàng thì khả năng họ tiếp cận được với thông điệp ấy có dễ hay không? Khách hàng hiểu biết đến mức độ nào về các lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ đem lại cho họ?

  • Xác định mức độ gia tăng lòng trung thành hay tạo cảm tình tốt hơn khi khách hàng nghĩ về thương hiệu công ty:

Khi thực hiện chương trình chiêu thị như khuyến mãi, giảm giá bán… sẽ làm gia tăng được số lượng người mua hàng của công ty. Điều đó đồng nghĩa với việc công ty sẽ giải quyết được hàng tồn kho (nếu có).

  • Đánh giá mức độ thu thập được thông tin trực tiếp từ khách hàng về sản phẩm:

Khi thực hiện các chương trình chiêu thị (ví dụ là bán hàng trực tiếp) sẽ thu được những thông tin hay ý kiến từ khách hàng về sản phẩm như thế nào?

  • Sử dụng hợp lý hơn nguồn tài chính của công ty:

Mỗi một phương tiện truyền thông sở hữu những đặc điểm riêng nên được tiến hành theo những cách thức riêng, mang lại những hiệu quả nhất định khi sử dụng. Chính những điều đó tạo thành cơ sở để định giá trong việc sử dụng chúng. Từ nguồn tài chính của công ty chúng ta nên lựa chọn phương tiện truyền thông cho phù hợp.

Mục đích của việc xác định các yếu tố định lượng:

  • Xác định độ bao phủ thị trường của các phương tiện truyền thông:

Khi các nhà làm marketing chọn phương tiện truyền thông để truyền tải thông điệp của sản phẩm/ dịch vụ đến với khách hàng thì khả năng họ tiếp cận được với thông điệp ấy nhiều hay ít?

  • Xác định mật độ khách hàng theo dõi kênh truyền thông đó.
  • Xác định nơi truyền thông:

Những tỉnh thành nào có mật độ dân số cao thì sẽ được lựa chọn đầu tiên, sau đó đến các vùng lân cận và cuối cùng về các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn…

  • Xác định mức độ nhận biết thương hiệu sản phẩm/ dịch vụ:

Đối chiếu với các nhóm hàng tương tự khi chọn phương tiện truyền thông để biết xem sau khi họ lựa chọn phương tiện ấy có bao nhiêu người biết đến nhãn hiệu ấy. Từ đó mình sẽ lựa chọn phương tiện ấy cho chiến lược của công ty mình.

Qua việc tìm hiểu đặc điểm của các yếu tố định tính và định lượng trong việc lựa chọn phương tiện truyền thông, ta có thể thấy một số sai lầm có thể có như sau:

Nếu chỉ áp dụng định lượng khi lựa chọn phương tiện truyền thông sẽ dẫn đến một vài sai sót không thể biết trước được, như:

Lượng khách hàng biết đến thương hiệu sản phẩm.

Nơi cần truyền thông.

Mật độ khách hàng theo dõi hoặc sử dụng phương tiện truyền thông ấy.

Nếu chỉ áp dụng định lượng khi lựa chọn phương tiện truyền thông sẽ dẫn đến một vài sai sót không thể biết trước được, như:

Nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Đánh giá thái độ của khách hàng đối với sản phẩm qua phương tiện truyền thông.

Mức độ thuận tiện trong việc tiếp nhận thông điệp qua phương tiện truyền thông.

Mức độ gia tăng lòng trung thành hay tạo cảm tình hơn khi khách hàng hài lòng nghĩ về thương hiệu công ty.

Mức độ thu thập được những thông tin trực tiếp từ khách hàng về sản phẩm.

Đánh giá sự gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm của công ty so với đối thủ.

Sử dụng hợp lý hơn nguồn tài chính của công ty một cách hiệu quả nhất.

Kết luận: Trong thực tiễn, việc lựa chọn theo hai yếu tố này chỉ là tương đối, mang nặng về hình thức học thuật, và đôi khi không thực sự cần thiết. Việc phối hợp cả hai yếu tố định tính, định lượng trong khi lựa chọn phương tiện truyền thông được các nhà làm marketing thường xuyên áp dụng. Định tính, định lượng tương tác hỗ trợ nhau. Mỗi phương tiện được lựa chọn để truyền thông có lúc dựa vào yếu tố định lượng, lúc dựa vào yếu tố định tính, tuy vậy giữa chúng vẫn có sự phối hợp để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Như vậy, cả 2 yếu tố trên đều có thể và cần thiết cùng tồn tại trong quá trình ra quyết định lựa chọn một phương tiện truyền thông của các nhà làm marketing. Sự kết hợp ấy sẽ giúp các nhà làm marketing đưa ra sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho việc lựa chọn phương tiện truyền thông.

Tác giả: Đặng Thanh Lam (sinh viên lớp 19DMC2, khoa Marketing), Trần Thị Tú Anh (sinh viên lớp 19DMC1, khoa Marketing), Ngô Thị Diễm Ly (sinh viên lớp 19DQH1, khoa Marketing)

Bình luận về bài viết này