[Truyền thông marketing tích hợp] – Ý tưởng chủ đạo của quảng cáo (Bài tập 4)

a/ Ý tưởng chủ đạo của quảng cáo là gì? Trình bày các loại ý tưởng chủ đạo thường sử dụng khi quảng cáo? Ví dụ minh chứng.

Ý tưởng chủ đạo trong quảng cáo là gì?

Ý tưởng chủ đạo (concept): là yếu tố cốt lõi được xuất phát từ nhu cầu của khách hàng mục tiêu (ở đây là các thương hiệu), là ý tưởng xuyên suốt trong trong toàn bộ nội dung, hình thức của một chiến lược marketing nhất định.

Concept là yếu tố cốt lõi, xuyên suốt cả một chương trình còn idea là tất cả những ý tưởng trong đầu bạn có để phụ trợ cho concept hiện tại. Có rất nhiều idea xảy ra trong một concept và những idea này góp phần bổ trợ thêm cho việc thể hiện được concept muốn hướng tới. Việc của các marketer là lựa chọn ý idea nào và áp dụng nó sao cho phù hợp với concept nhất có thể. Concept phải hình thành trước thì những idea được nảy sinh ra mới trở nên có tác dụng. Khi hoàn toàn bám sát theo concept và đáp ứng được với yêu cầu, giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp, công ty hay khách hàng mục tiêu đề ra trong việc xây dựng thương hiệu cho mỗi cá nhân.

Ý tưởng chủ đạo xuất phát từ nhu cầu của từng đối tượng khách hàng khác nhau vì vậy những người thiết kế và làm quảng cáo sẽ sáng tạo ra được nhiều mẫu quảng cáo ấn tượng và mang phong cách riêng của từng đối tượng.

Ý tưởng chủ đạo được sử dụng trong suốt quá trình quảng cáo, cố định để nhằm định hình được thương hiệu hay tạo lập được nhãn hàng. Nó có khả năng phục vụ theo từng chu kỳ bán hàng hay theo từng mùa hay theo từng chiến dịch cụ thể.

Tiêu chí của một ý tưởng chủ đạo – SMART:

S: Specific (cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu)

M: Measurable (vừa phải)

A: Attractive (hấp dẫn)

R: Relevant (gần gũi)

T: Timing (đúng lúc)

Ý tưởng chủ đạo thường đơn giản, nhưng từ một ý tưởng chủ đạo đơn giản đó có nhiều idea cũng như execution khác nhau. Có thể nói ý tưởng chủ đạo như chiếc xương sống, từ đó, những idea bồi đắp da thịt để hoàn thiện.

Nhiệm vụ của ý tưởng chủ đạo: là “cầu nối ngôn ngữ” để người làm truyền thông truyền tải thông điệp của chiến dịch bằng ngôn ngữ của đối tượng mục tiêu

Ví dụ về ý tưởng chủ đạo trong quảng cáo của Biti’s Hunter: 

Ý tưởng chủ đạo

Dựa trên một nền tảng khá quen thuộc trong mùa Tết là Homing, Biti’s lựa chọn cách lật ngược vấn đề để tìm ra khía cạnh mới của câu chuyện. Khi hầu như tất cả thương hiệu đều nói câu chuyện trở về trong ngày Tết, Biti’s đã chọn kể câu chuyện ra đi. Tuy nhiên, đó phải là một câu chuyện có liên quan đến tinh thần thương hiệu và truyền tải thông điệp có ý nghĩa. Và ý tưởng “Đi thật xa để trở về” rõ ràng là một khía cạnh mới về Homing, không đi ngược lại với đám đông vì vẫn có hàm ý “trở về” và có tiềm năng trở thành xu hướng vốn đã có sẵn trong người trẻ.

Về phần triển khai, ý tưởng lớn của thương hiệu con Biti’s Hunter được củng cố bằng thông điệp “Đi thật xa để trở về” thể hiện trong MV mùa 1, và mùa 2 là thông điệp “Người trẻ có rất nhiều chuyến đi, những chuyến đi ý nghĩa nhất là chuyến đi trở về nhà”.

Các loại ý tưởng chủ đạo thường được sử dụng trong quảng cáo:

1/Sử dụng yếu tố độc đáo của sản phẩm (Unique selling proposition-USP).

Yếu tố độc đáo của sản phẩm (USP): trình bày lợi ích về thuộc tính, đặc điểm của sản phẩm. Đặc điểm này là duy nhất và quan trọng đối với người sử dụng.

Quảng cáo USP (Unique Selling Proposition: ưu thế sản phẩm độc nhất) được khởi xướng bởi một người Mỹ là Reeves trong những năm 1940, sau đó được Bates phát triển và hoàn thiện.

Thời kỳ này công nghệ sản xuất còn phôi thai và mỗi sản phẩm thường có một ưu điểm rất riêng.  Bằng cách xoáy sâu vào ưu điểm này, nhà quảng cáo tạo cho thương hiệu của mình một hình ảnh và chỗ đứng độc lập.

Một trong những quảng cáo USP tiêu biểu là sôcôla “chỉ tan trong miệng, không tan trên tay”.  Quảng cáo USP thường dùng những chữ “duy nhất” hay “đầu tiên”.

Ở Việt Nam trong những năm mới mở cửa và hàng hóa ồ ạt tràn vào, chúng ta cũng thường thấy kiểu quảng cáo này.

Do sự lơi lỏng của luật định, thậm chí các nhà quảng cáo còn đi xa hơn: họ không nói duy nhất mà xưng là tốt nhất! Nào là “loại bia số 1 thế giới”, “chuyển phát nhanh nhất thế giới”, “bột ngọt tốt nhất thế giới” … Sau này khi bị cấm, họ mới chuyển sang “duy nhất” hay “đầu tiên”.

Có thể nhìn thấy nỗ lực này rất rõ trong các loại dầu gội, xà bông. Mặc dù công thức gần như nhau, các nhà sản xuất thường cho vào một tí (rất ít) tinh chất gì đấy. Và thế là bạn có vô số loại dầu gội: bồ kết, thảo dược, cam, nha đam, hoa đậu biếc… Và sự trúng mánh chắc chắn thuộc về Sunsilk Bồ kết vì đã khơi trúng niềm tin đã có truyền thống lâu đời trong các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Nhưng có lẽ các nhà tiếp thị láu lỉnh Unilever đang nếm vị chát của quy luật vô thường. Cái gì thịnh rồi cũng phải suy. Khi thu nhập tăng lên, chị em trẻ hơn, hiện đại hơn và quen thuộc với Internet hơn là gánh nước hái rau, có lẽ hình ảnh của Sunsilk Bồ kết đang trở nên quê mùa, “dành cho má tui, hông phải cho tui”.

2/ Sử dụng ưu thế về mặt tình cảm (ESP – Emotional Selling Proposition):

Ra đời như là câu trả lời cho sự bế tắc của USP, khi mà sản phẩm ngày một giống nhau

Cơ sở của quảng cáo ESP dựa trên những sự thật sau: Thương nhau củ ấu cũng tròn, Ghét nhau bồ hòn cũng méo hay Thương ai thương cả đường đi, Ghét ai ghét cả tông ty họ hàng.

Quảng cáo ESP thường được áp dụng cho những sản phẩm rẻ tiền, thí dụ như nước ngọt, bột ngọt, mì ăn liền, bánh kẹo… khi mà sự lựa chọn thông thường rất cảm tính. Quảng cáo kiểu này thường vui nhộn, đầy ắp nụ cười và kèm theo một câu hát hay cả bài hát. Người đầu tiên thực hiện rùm beng có lẽ là Coca-Cola.

Năm 1931: Để quảng cáo, hãng Coca Cola nhờ Haddon Sundblom vẽ hình Ông già Noël nghỉ xả hơi và uống Coca để lấy lại sức trong lúc đi phân phát quá cáp, để dụ trẻ con uống Coca.

Bột ngọt Ajinomoto cũng rất thành công với một chùm phim quay trên một gia đình không đổi gồm ba thế hệ ông bà, bố mẹ, con cái đều vui thích nấu ăn với Ajinomoto trên một giai điệu không đổi: “Những món ăn quê hương đậm đà Ajinomoto ngon quá, vui biết bao bữa ăn gia đình, Ajinomoto tuyệt vời…”.

Nói chung kiểu quảng cáo này đòi hỏi phải có duyên, giống như một anh chàng si tình mang guitar đến hát dưới khung cửa sổ người đẹp. Hát khéo thì được nàng mở cửa kéo lên, hát vô duyên coi chừng bị suỵt chó. Thật ra so sánh này cũng hơi khập khiễng vì đối tượng của quảng cáo là số đông. Và đôi khi có những quảng cáo phân hóa rất rõ nét. Điển hình là chiến dịch “người đẹp tự sự” của xà phòng Dove: “Ông xã mình nói mua cho mình xài, biết đâu ổng cũng xài, hí hí”. Chúng tôi hỏi nhiều chị em, người thích thì quá thích mà người ghét thì ghét thậm tệ.

3/Quảng cáo lối sống

Quảng cáo lối sống, hay giá trị, dựa trên giả định này: hãy đi cùng tôi, vì chúng ta chung một niềm tin. Quảng cáo này thường có vẻ xa vời, nhưng sức mạnh của nó, một khi bắt trúng mạch, là kinh khủng.

 Nike xây dựng lâu đài của mình xung quanh thái độ “Just do it”: hãy làm điều bạn thích, bất kể mọi thứ. Có thể nói đó là một thái độ rất Mỹ.

“Hãy thưởng anh ấy một Tiger” của bia Tiger khi mới tung vào Việt Nam có thể xem như một nỗ lực chuyên nghiệp đầu tiên quảng cáo theo hướng lối sống/giá trị (Lifestyle advertising).

Lặp đi lặp lại câu chuyện anh hùng cứu mỹ nhân, bằng các thước phim hành động hấp dẫn và cùng với câu hiệu “Bản lĩnh đàn ông thời nay”, thương hiệu này đã đánh trúng tâm lý người uống bia Việt Nam. Nam vô tửu như kỳ vô phong.

4/Tạo ra hình ảnh về nhãn hiệu:

Đối với một số loại sản phẩm, cạnh tranh về nhãn tương đồng nhau và khó tìm ra thuộc tính, đặc điểm nào của sản phẩm để sử dụng như điểm độc đáo của sản phẩm (ví dụ; nước giải khát, bia).

Chiến lược sáng tạo thường dựa vào phát triển sự nhận thức, dễ nhớ về nhãn qua quảng cáo hình ảnh nhãn.

Yếu tố then chốt để quảng cáo thành công là phát triển hình ảnh để lôi cuốn, thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm.

5/Tìm kiếm một cách diễn tả đơn giản, tự nhiên: có thể bằng định vị sản phẩm.

Định vị sản phẩm: định vị thường là yếu tố cơ bản trong chiến lược sáng tạo khi có nhiều nhãn hiệu cạnh tranh trong cùng một thị trường.

Ví dụ thị trường chất tẩy rửa. Mỗi nhãn có một đặc trưng nổi bật so với nhãn khác, người ta sẽ sử dụng đặc trưng này như một yếu tố định vị nhãn, làm cho người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm. 

Ví dụ về một số ý tưởng chủ đạo trong quảng cáo thành công:

Neptune về nhà đón tết 

Người Việt chắc chắn vẫn còn nhớ tới quảng cáo “Neptune về nhà đón tết” của Neptune – clip khai thác những nét đẹp trong văn hóa người Việt. Với thông điệp “Và nhà đón tết, Gia đình trên hết”, “Quà nào bằng gia đình sum họp” Neptune tạo ra một cơn sốt có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Concept truyền thông nhấn vào tình cảm gia đình Việt của Neptune đã chiếm trọn được cảm tình của khán giản nhờ sự nắm bắt, thấu hiểu tâm lý của người Việt. Chỉ trong một thời ngắn, clip đã thu hút được hơn 1 triệu người xem cùng hàng ngàn phản hồi xúc động – một con số mơ ước của nhiều nhãn hàng.

Câu hội thoại của đứa trẻ “Bố ơi con nhận được nhiều quà lắm, nhưng con chỉ muốn bố về nhà đón Tết thôi; Con để dành được nhiều lì xì lắm, bố không cần làm việc vất vả đâu” khiến nhiều khán giả chia sẻ hàng ngày họ chỉ mong tivi chiếu đến đoạn quảng cáo này để xem.

Dove – Vẻ đẹp thật sự

Dove tin rằng người phụ nữ cảm thấy mình đẹp nhất khi: thấy thích thú với chính mình, chăm sóc cho chính mình, cảm thấy hãnh diện khi tạo cho mình một vẻ đẹp riêng biệt.

Với cuốn Album đạt kỷ lục Guiness “Album lớn nhất Việt Nam”, vẻ đẹp thật sự của những người phụ nữ Việt Nam đã được thể hiện qua 103.000 bức ảnh. Đó cũng là hình ảnh chốt lại của chuỗi những phản ứng bùng nổ sinh ra từ nút thắt 1% trước đó.

Sau chiến dịch, Unilever công bố kết quả từ Nielsen: trên 90% người phụ nữ VN ủng hộ ý tưởng “Mỗi người phụ nữ đều có vẻ đẹp của riêng mình”.

b/ Hãy nói về sự sáng tạo trong quảng cáo.

Sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng mới, độc đáo và phù hợp, sử dụng để giải quyết vấn đề truyền thông. “Bản chất của sáng tạo là sắp xếp những cái đã biết theo cách chưa hề có trước đó”. Sáng tạo là một trong những thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất trong quảng cáo. Ta thường bắt gặp cụm từ sáng tạo qua việc gọi người làm quảng cáo là “nhân tố sáng tạo”, hay đội ngũ sáng tạo. Bên cạnh đó, những agency quảng cáo lớn nhỏ trên thế giới đều xây dựng danh tiếng cũng như thắng các giải trong nước và quốc tế nhờ vào sức sáng tạo không giới hạn của họ.

Tính độc đáo hoặc tính mới là trọng tâm của sự sáng tạo. Chính những cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ trong quảng cáo giúp thu hút sự chú ý của con người và biến thông điệp trở nên nổi bật hơn so với những mẫu quảng cáo thông thường.

Tuy nhiên, quảng cáo không phải là một loại hình “nghệ thuật”. Là hình thức tiếp thị nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, quảng cáo phải nhắm mục tiêu đến đối tượng cụ thể và có ý nghĩa hoặc giá trị đối với khách hàng mục tiêu. Vì vậy, quảng cáo phải liên quan và phù hợp với nhu cầu hoặc mong muốn của khách hàng.

Từ góc nhìn của người trong ngành, có thể nói, sáng tạo là một trong những yếu tố không thể thiếu để tạo nên quảng cáo hiệu quả.

Rob Morgan, Giám đốc điều hành của Clemenger – Công ty Quảng cáo đứng đầu bảng xếp hạng Bestads trong 10 năm (tính đến năm 2019) cho biết: “Chúng tôi đang ở trong một kỷ nguyên mới của ngành quảng cáo, kỷ nguyên mà ta có thể tiếp cận khách hàng hiệu quả, nhắm mục tiêu vào đúng nơi và đúng thời điểm. Tuy nhiên, nếu như không có sự sáng tạo, tất cả những yếu tố còn lại đều vô nghĩa. Đó là lý do sáng tạo vẫn là một trong những giá trị được ưu tiên hàng đầu tại Clemenger”.

Sự khác biệt giữa “Quảng cáo sáng tạo” và “Sáng tạo trong quảng cáo”

Nhiều người cho rằng “Quảng cáo sáng tạo” và “Sáng tạo trong quảng cáo” là một, nhưng thực chất chúng khác nhau. “Quảng cáo sáng tạo” là một kĩ thuật trong nhiều kĩ thuật quảng cáo khác. Còn “Sáng tạo trong quảng cáo” là một quy trình tạo ra những cách thức quảng cáo mới mẻ tùy theo cách thức thể hiện khác nhau và theo nhiều dạng khác nhau.

  • Quảng cáo sáng tạo là một kĩ thuật trong nhiều kĩ thuật quảng cáo khác. Một “Quảng cáo sáng tạo” là một mẫu quảng cáo được tạo ra với kỹ thuật khơi gợi sự tò mò, thu hút sự chú ý và qua đó khéo léo gắn với thương hiệu hay sản phẩm tạo ấn tượng mạnh và thuyết phục người xem làm họ phải nhớ tới thương hiệu mỗi khi có nhu cầu sử dụng.
  • Sáng tạo trong quảng cáo là một quy trình tạo ra những cách thức quảng cáo mới mẻ tùy theo cách thức thể hiện khác nhau và trong nhiều dạng khác nhau. Chúng ta có thể sáng tạo trong việc đưa thông điệp, viết lời quảng cáo, thể hiện qua hình ảnh, chọn kênh truyền thông, lập kế hoạch truyền thông, chọn nhóm khách hàng mục tiêu, xây dựng chiến lược truyền thông, … Sáng tạo trong quảng cáo còn là cách lựa chọn các tình huống, các cốt truyện, các cách thể hiện mẫu quảng cáo theo kỹ thuật thông thường thành một mẫu quảng cáo sáng tạo. 

Vai trò Sáng tạo trong quảng cáo

  • Tăng khả năng gợi nhớ thương hiệu:

Nhiều bằng chứng học thuật cho thấy sự sáng tạo làm gia tăng khả năng ghi nhớ đến quảng cáo và nhắc nhớ về thương hiệu. Nghiên cứu “Ảnh hưởng của sự sáng tạo đối với quảng cáo” chứng minh rằng quảng cáo sáng tạo được ghi nhớ nhanh hơn và không dễ bị lãng quên. 

Cùng kết quả, nghiên cứu “Ảnh hưởng của quảng cáo sáng tạo đối với khả năng gợi nhớ về thương hiệu so với những quảng cáo khác” thể hiện sự vượt trội của những mẫu quảng cáo sáng tạo. Nhóm nghiên cứu tổng hợp một điểm số sáng tạo cho mỗi loại quảng cáo, lấy trung bình của 5 mẫu quảng cáo trong cùng loại. Với số điểm sáng tạo là 4,06 cho quảng cáo thường và 5,19 cho quảng cáo sáng tạo, nhóm nghiên cứu báo cáo, sự gia tăng 27% điểm số sáng tạo sẽ làm tăng 50% khả năng gợi nhớ. Họ gọi đây là hiệu ứng thúc đẩy dựa trên nền tảng sáng tạo (the creativity-based facilitation effect), đồng thời kết luận sự sáng tạo tăng khả năng gợi nhớ thương hiệu.

  • Làm cho những mẫu quảng cáo khác kiếm nổi bật hơn: 

Không chỉ giúp thương hiệu trở nên nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh, sức sáng tạo trong quảng cáo còn làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các thương hiệu cùng ngành. Nghiên cứu của Jin, Kerr và Suh (2019) cho thấy, quảng cáo sáng tạo gián tiếp khiến các mẫu quảng cáo không sáng tạo thông thường trở nên “mờ nhạt” hơn. Trên thực tế, khả năng gợi nhớ thương hiệu đối với các quảng cáo thông thường giảm khoảng 63% khi được xem cùng với quảng cáo sáng tạo. Nhóm nghiên cứu gọi đây là hiệu ứng suy giảm dựa trên nền tảng sáng tạo (the creativity-based impairment effect). Bên cạnh đó, công trình cũng đưa ra kết luận các thương hiệu cạnh tranh trực tiếp chịu tổn hại từ hiệu ứng này nặng nề hơn so với các thương hiệu khác. 

Trên thực tế, nhờ vào hoạt động sáng tạo mà ALDI (chuỗi siêu thị hàng giảm giá nổi tiếng có trụ sở ở Đức) tiếp thị hiệu quả hơn 51% so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành. ALDI Australia đã giành được 45 giải thưởng bao gồm Cannes, AWARD, Spikes và Effies. Hugh Munro, Trưởng bộ phận lập kế hoạch của công ty mẹ BMF phát biểu : “Với phương châm “Good Different”, ALDI luôn mang đến những trải nghiệm khác biệt cho người tiêu dùng và đồng nhất thông điệp đó trên các kênh hiện diện của thương hiệu”.

  • Hiệu quả hơn:

Tác giả James Hurman đã nghiên cứu thị trường quảng cáo trong suốt 3 thập kỷ và nhận thấy rằng khi được thực thi hiệu quả, các chiến dịch quảng cáo sáng tạo mang lại ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) cao gấp 11 lần so với các chiến dịch thông thường.

Nghiên cứu được thực hiện bởi The Harvard Business Review tiết lộ: “So với quảng cáo thông thường, một euro đầu tư vào chiến dịch quảng cáo có tính sáng tạo cao mang lại hiệu quả doanh số bán hàng gấp đôi”. 

Đơn cử, chiến dịch Most Shocking Second A Day đã giúp tăng 93% nguồn quỹ cho tổ chức Save The Children. Video ghi lại hành trình thay đổi về thể chất và tinh thần của một bé gái sống trong khu vực xung đột vũ trang. “Most Shocking Second A Day” đã tạo được sức ảnh hưởng và sự đồng cảm trên toàn thế giới, nhận về 150 triệu lượt xem và 2,5 triệu lượt chia sẻ.

  • Thúc đẩy người dùng sáng tạo:

Bên cạnh những lợi ích gắn liền thương hiệu, tính sáng tạo còn có tác dụng truyền cảm hứng cho người tiêu dùng. Nghiên cứu của Rosengren, Dahlen & Modig (2013) đã chỉ ra rằng quảng cáo sáng tạo có thể truyền cảm hứng cho người tiêu dùng suy nghĩ sáng tạo hơn và giải quyết một cách khéo léo các vấn đề trong cuộc sống.

Quy trình sáng tạo

Bước 1: Xác định mục tiêu sáng tạo

Luôn là bước quan trọng định hướng cho những chiến lược được vạch ra về sau. Ở bước này cần liệt kê các lý do cụ thể và đầy đủ bằng cách trả lời các câu hỏi như: Tại sao lại phải sáng tạo? Cần đạt được điều gì từ quy trình sáng tạo này? Ai là người chúng ta cần tác động tới? Họ đang nghĩ gì? Chúng ta muốn họ thay đổi suy nghĩ ra sao?

Bước 2: Thu thập thông tin

Dữ liệu là thứ không thể thiếu để tiến hành phân tích, xử lý. Các dữ liệu cần tìm liên quan tới khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu, ngành hàng mục tiêu, các đối thủ cạnh tranh, giá cả, kênh phân phối, cách quảng cáo cho ngành hàng, … Có thể thu thập thông tin qua các đợt nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thảo luận nhóm, phỏng vấn người tiêu dùng. Một số thông tin cũng có thể có được bằng việc tổng hợp dữ liệu thứ cấp từ internet, báo chí…

Bước 3: Phân tích thông tin thu được và tiến hành công việc sáng tạo

Đưa ra định hướng sáng tạo từ các mong muốn tiềm ẩn của người tiêu dùng (Consumer’s Insight), chọn kỹ thuật quảng cáo. Bước này thực chất là một quy trình lặp đi lặp lại các bước:

+ Suy nghĩ sáng tạo của cá nhân người viết quảng cáo (phân tích thông tin và xem xét các yêu cầu, tham khảo các mẫu quảng cáo sáng tạo của thế giới, vận dụng các kỹ thuật linh hoạt ý tưởng (Kick – start technique)). Giai đoạn này cần tìm mọi cách tạo cảm hứng ở mức cao nhất, kích thích trí tuệ để bật ra được các ý tưởng độc đáo nhất.

+ Tiến hành Brainstorming. Các ý tưởng của các cá nhân sẽ được đưa ra bàn bạc và phát triển tiếp tục trong các buổi brainstorm với nhiều thành viên. Đây là cách hiệu quả để có được những ý tưởng thuyết phục.

Khoảng 3 hoặc 4 ý tưởng giá trị nhất sẽ được lựa chọn ra dựa theo các yêu cầu của Bản Yêu Cầu Sáng Tạo và quy tắc S.M.I.L.E (Simple, Meorable, Interesting, Link to the Brand, Emotional involling & liked).

Bước 4: Thực hiện lựa chọn các ý tưởng

Việc chọn lựa này sẽ được tiến hành thông qua buổi họp CRC (Creative Review Committee). Dựa trên quy tắc đánh giá quảng cáo SMILE để chọn ra ý tưởng đáp ứng và đúng các điều kiện nêu trong bản yêu cầu sáng tạo.

Bước 5: Thể hiện các ý tưởng ra giấy để trình bày với khách hàng

Các ý tưởng phù hợp sẽ được phác thảo ra thành một mẫu quảng cáo báo hoặc thành một phác thảo kịch bản phim quảng cáo. Các mẫu phác thảo này sẽ được giới thiệu cho khách hàng trong một buổi trình bày ý tưởng.

Tất nhiên những quy trình này không phải lúc nào cũng có thể đạt được nhiều ý tưởng ưng ý khách hàng hoặc chính bản thân những người làm quảng cáo. Từ ý tưởng sáng tạo đưa đến một quảng cáo sáng tạo còn nhiều bước gian nan. Trong đó khó nhất là việc hiện thực hóa ý tưởng. Hầu hết các nhà quảng cáo đều gặp trường hợp ý tưởng và sản phẩm quảng cáo cuối cùng không giống nhau. Sáng tạo trong quảng cáo không chỉ nằm ở việc tạo ra một sản phẩm quảng cáo sáng tạo mà nó còn bao gồm cả việc sáng tạo trong viết thông điệp, trong việc lựa chọn kênh truyền thông, chọn khách hàng mục tiêu và cả trong lựa chọn mục tiêu nữa…

Tác giả: Đặng Thanh Lam (sinh viên lớp 19DMC2, khoa Marketing), Trần Thị Tú Anh (sinh viên lớp 19DMC1, khoa Marketing), Ngô Thị Diễm Ly (sinh viên lớp 19DQH1, khoa Marketing)

Bình luận về bài viết này